Những nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý kỹ thuật tham quan Trường Đại học Việt Đức, tháng 10/2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Đây là nỗ lực nhằm nâng chất lượng đào tạo, hội tụ nhân tài.

Giáo sư được trả 350 triệu đồng

350 triệu đồng là số tiền Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) chi trả theo diện chính sách thu hút một lần cho giảng viên, nhà khoa học có học hàm giáo sư. Tương tự, nhà trường dành 250 triệu đồng cho chính sách tương tự với phó giáo sư và 150 đồng với tiến sĩ.

Chính sách này của Trường Đại học Kinh tế - Luật nằm trong đề án Chương trình VNU350 “Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM”, được Đại học Quốc gia TPHCM triển khai từ cuối tháng 2/2024.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Tài chính - Marketing, chính sách thu hút nhân tài của nhà trường không chỉ đơn thuần là cơ hội cho các nhà giáo và nghiên cứu gia có kinh nghiệm, mà còn mở ra cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi và tài năng mới. Trong bối cảnh môi trường học thuật ngày càng cạnh tranh, nhà trường hy vọng thu hút những người trẻ có tài năng để có thể thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ trong các lĩnh vực khác nhau.

Theo đó, VNU350 nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Đại học Quốc gia TPHCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.

Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu trong tương lai sẽ tuyển dụng 350 nhà khoa học theo Chương trình VNU350. Trong đợt tuyển đầu tiên của năm 2024, các trường thành viên và đơn vị trực thuộc sẽ tuyển dụng 65 người.

Để tham gia ứng tuyển Chương trình VNU350, ứng viên cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như: Có trình độ tiến sĩ; khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập; khát vọng, hoài bão, mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước và của Đại học Quốc gia TPHCM.

Nhà khoa học trẻ cần đáp ứng ít nhất 1 trong 4 tiêu chí: Có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín; bằng phát minh, sáng chế được đăng ký thành công; sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao; có hướng nghiên cứu mới, triển vọng, phù hợp với Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TPHCM.

Trong khi đó, nhà khoa học đầu ngành cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí về kinh nghiệm và năng lực: Đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm; chủ trì đề tài, dự án khoa học - công nghệ; có công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; mối quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế (là thành viên của các tổ chức khoa học - công nghệ quốc tế; tham gia tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; biên tập, phản biện bài báo cho các tạp chí quốc tế…).

Về chính sách ưu đãi, nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu công tác được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C, kinh phí tối đa 200 triệu đồng. Năm thứ ba được cấp 1 đề tài loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Năm thứ tư được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng. Năm thứ năm được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

PGS.TS Lê Thanh Long - giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) hướng dẫn học viên. Ảnh: HCMUT

Nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu công tác được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

Ngoài ra, các nhà khoa học được hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị - nơi nhà khoa học công tác, gồm: Lương, thưởng, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, nghiên cứu khoa học, khen thưởng đột xuất…

Cũng trong “cuộc đua” thu hút nhân tài, ngay từ đầu năm 2024, Trường Đại học Tài chính - Marketing triển khai kế hoạch tuyển dụng giảng viên có trình độ cao với quy mô lớn. Theo đó, nhà trường tuyển 43 chỉ tiêu, theo hình thức xét tuyển, trọng tâm tuyển dụng giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên với số lượng lên tới 35 người.

Việc này nhằm tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ và chất lượng cao cho các đơn vị đào tạo. Đồng thời, nhà trường tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút đặc biệt đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh phó giáo sư, giáo sư cùng nhiều điều kiện thuận lợi khác.

Theo chính sách của Trường Đại học Tài chính - Marketing, người có chức danh giáo sư (độ tuổi dưới 50) được nhà trường chi hỗ trợ, thu hút một lần là 500 triệu đồng, từ trên 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 400 triệu đồng. Chức danh phó giáo sư có độ tuổi dưới 50 là 300 triệu đồng, từ trên 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng; đối với tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài là 100 triệu đồng và tiến sĩ tốt nghiệp trong nước là 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi). Chính sách này được áp dụng công khai, minh bạch và công bằng đối với tất cả ứng viên thông qua kỳ tuyển dụng viên chức hằng năm.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Không gian phát triển và thăng tiến

Năm học 2023 - 2024 là khoảng thời gian đặc biệt với PGS.TS Lê Thanh Long (35 tuổi) - giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Chỉ trong thời gian ngắn, anh liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu.

Anh được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư, được vinh danh Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII, nhận danh hiệu Cán bộ trẻ tiêu biểu của Đại học Quốc gia TPHCM ba năm liên tiếp và là một trong 14 Công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM. Trước đó không lâu, anh nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng do Trung ương Đoàn trao tặng.

PGS.TS Lê Thanh Long chia sẻ, sau khi du học tại nước ngoài, bản thân quay lại Trường Đại học Bách khoa - nơi từng theo học bậc đại học để công tác. “Những năm đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn nhưng những điều này đã được dự báo trước. Tuy nhiên, mọi việc dần dần thay đổi theo hướng tốt hơn. Nhà trường có nhiều chính sách để nhà khoa học trẻ đăng ký đề tài, nghiên cứu khoa học. Tại trường, các thầy cô tạo điều kiện để nhà khoa học trẻ tham gia dự án, đề tài nghiên cứu”, PGS Long cho biết.

Còn với TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật Y sinh (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) cũng chia sẻ, lý do trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở nước ngoài vì tìm được đam mê trong công việc. Theo chị, không chỉ là thu nhập, môi trường làm việc và khả năng được cống hiến mới là động lực chính để thu hút và giữ chân nhà khoa học.

“Nơi đây có những đồng nghiệp cùng đam mê, được sử dụng tất cả loại máy móc hiện đại không chỉ của trường mà là trang thiết bị có trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM để phục vụ cho các đề tài nghiên cứu và hiện thực hóa các đề tài, nghiên cứu”, TS Hương chia sẻ môi trường làm việc hiện tại.

Đó là tiếng nói của những người trong cuộc - nhân tài đã chọn bến đỗ là các trường đại học ở Việt Nam cho sự nghiệp giáo dục, khoa học của mình. Ngoài thu nhập, môi trường làm việc và khả năng phát triển là những yếu tố họ quan tâm nhất. Ở góc nhìn toàn diện hơn, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, có 3 nhân tố quan trọng để đại học này thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tới làm việc.

Thứ nhất là không gian tự chủ, sáng tạo, hay nói cách khác là “sự trao quyền”. Theo đó, nhà khoa học về công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM có cơ hội đứng đầu nhóm nghiên cứu mạnh, giữ vị trí trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm hay trưởng ngành đào tạo mới, được hỗ trợ nguồn lực tài chính để chủ động thực hiện kế hoạch nghiên cứu.

Thứ hai là không gian đóng góp, cống hiến. Đảng và Nhà nước giao cho Đại học Quốc gia TPHCM sứ mạng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới. Do đó, các nhà khoa học về làm việc tại Đại học Quốc gia TPHCM có cơ hội làm chủ nhiệm các đề tài, dự án nghiên cứu lớn; mở rộng mạng lưới hợp tác trong và ngoài nước; tham gia đào tạo, hướng dẫn sinh viên xuất sắc, học viên cao học, nghiên cứu sinh để hiện thực hóa khát vọng đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Thứ ba là không gian phát triển và thăng tiến. Các nhà khoa học sẽ xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp như kế hoạch trở thành phó giáo sư, giáo sư, nhà khoa học đầu ngành, hướng đến các giải thưởng khoa học uy tín trong và ngoài nước. “Đại học Quốc gia TPHCM cam kết đồng hành và hỗ trợ các nhà khoa học trong lộ trình phát triển nghề nghiệp”, ông Vũ Hải Quân cho biết.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, con người là yếu tố quan trọng, then chốt. Môi trường đại học nếu không có các nhà khoa học xuất sắc thì chưa đúng với tính chất của một đại học. Ông tin rằng bằng sức mạnh hệ thống giữa các đơn vị thành viên và trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, VNU350 sẽ tuyển mộ được nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành.

Giảng viên Trường Đại học Tài chính – Marketing trong một giờ giảng. Ảnh: UFM

Nâng cao chất lượng giảng viên

Trong công bố về chính sách thu hút nhân tài của mình, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết đang đẩy mạnh các ngành nghề đào tạo của trường, nhất là các ngành: Marketing, Kinh doanh quốc tế, Công nghệ tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng... và các ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội, bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Nhà trường muốn liên tục bổ sung vào đội ngũ giảng viên cơ hữu một lực lượng có trình độ cao, năng lực ngoại ngữ tốt, có năng lực nghiên cứu khoa học, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, có tư duy quản lý giáo dục hiện đại nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà trường.

PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing thông tin, hỗ trợ, thu hút giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ là chính sách nhất quán của nhà trường từ nhiều năm qua. Chính sách này cũng được áp dụng để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ hữu của nhà trường yên tâm và tích cực học tập, nghiên cứu.

“Chúng tôi tin rằng chìa khóa để tiến xa trong hành trình nghiên cứu và giảng dạy là có được đội ngũ giáo sư và nhà nghiên cứu tài năng và đa dạng. Chúng tôi cam kết cung cấp môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ để họ có thể phát triển toàn diện và đóng góp vào sứ mệnh của trường”, PGS.TS Phạm Tiến Đạt chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, kể từ khi chuyển sang cơ chế tự chủ năm 2021, trường đã triển khai đề án thu hút tiến sĩ với mức lương hấp dẫn.

Theo đó, tiến sĩ trở lên làm công tác quản lý có mức thu nhập trung bình 60 triệu đồng/tháng, còn tiến sĩ trở lên nhưng không làm công tác quản lý thu nhập trung bình hơn 35 triệu đồng/tháng. “Mức này để minh chứng rằng không phải cứ trường công thì thu nhập thấp. Thu nhập chỉ là một phần, quan trọng họ có được môi trường làm việc tốt, sự hỗ trợ giữa các đơn vị, đầu tư của trường cho nghiên cứu…”, PGS Tú Anh chia sẻ.